Trang thông tin điện tử xã Diễn Bích - Huyện Diễn Châu - Tỉnh Nghệ An

https://dienbich.dienchau.nghean.gov.vn


Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa và nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ nhỏ thường có những triệu chứng cảnh báo khá giống nhau.

I. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH, CÁCH LÂY TRUYỀN

– Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát dịch lớn vào mùa hè, đông xuân. Sốt xuất huyết lây truyền từ người bệnh sang người lành qua loài muỗi có tên là Aedes aegypti thường được gọi là muỗi vằn.

– Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở quần áo, chăn, màn, rèm cửa trong nhà (Nhất là quần áo đã mặc có hơi của người).

– Muỗi vằn hoạt động hút máu vào ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

– Vòng đời của muỗi vằn trải qua 4 giai đoạn: trứng, bọ gậy ,lăng quăng, muỗi trưởng thành
SOT XUAT HUYET

II. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA DỊCH BỆNH

– Sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, đau nhức các khớp…

– Có ban đỏ, xuất huyết da, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…

III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

– Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng các biện pháp:

* Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

* Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

* Thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

* Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

* Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

– Cách phòng chống muỗi đốt:

 * Mặc quần áo dài tay.

 * Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

 *  Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…

 * Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

 * Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

 * Tích cực phối hợp trạm y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Trên đây là bài tuyên truyền về các triệu chứng và biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, vì sức khỏe của toàn cộng đồng “ Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây